Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

VÀI SUY NGHĨ VỀ PHONG CÁCH SỐNG, PHONG CÁCH CÔNG TY

Phong cách
Phong cách là một thứ riêng biệt, không nhầm lẫn vào đâu được.
Người ta thường học theo, làm theo, lấy những thành công của người khác "làm của mình". Vì thế, PHONG CÁCH kiểu như vậy - chưa sinh ra mà đã mất. Mất, vì phong cách chỉ tồn tại khi khác biệt.
Phong cách của công ty cũng vậy. Có trăm vạn cách để người ta "tìm được tiền". Đâu cần sáng tạo gì ghê gớm, chỉ cần đừng-bắt-chước-ai thì đã là khác biệt.
Ai đó đã nói một câu trở thành kinh điển của kinh doanh: khác biệt hay là chết.
Thế giới tự nhiên sinh động đã cho chúng ta thấy một điều nhiệm mầu: Không có cái thứ hai giống hệt.

Sống
Sống - là một cách thụ hưởng cuộc sống, hơn là nén chịu để đợi chờ một lúc nào đó ở tương lai.
Sống - là cách biểu lộ phong cách, biểu lộ một cá tính luôn được hoàn thiện trong trải nghiệm.

PHONG CÁCH SỐNG của một công ty là sự biểu lộ thái độ ứng xử trong cuộc chiến. Cuộc chiến nội tâm của chính mình, không phải với người khác.
Mục tiêu chất lượng cao nhất của công ty là được kết quả cao ở "chỉ số hạnh phúc". Chỉ số hạnh phúc có thể ló dạng trong quá trình thay đổi theo hướng hoàn thiện.

Phong cách sống luôn cần sự năng động, luôn làm cho phù hợp với chung quanh - chung quanh vốn luôn được biến động từng khoảnh khắc.
Phong cách sống là thứ không hề có đợi chờ, hẹn hò ở mai sau. Phong cách sống thường được nhận thấy trong lúc đang sống.

Nếu lúc đang sống mà không nhớ, không suy nghĩ là phải ứng xử ra sao, thì khi đó có một PHONG CÁCH SỐNG đang tồn tại.

( Cảm nhận về Phong cách Cty Cao su Việt: "Luôn thay đổi, luôn hoàn thiện", nhân kỷ niệm 22 năm ngày thành lập công ty, 14/4/1990)



Trích nguồn: http://nguyentuonglinh.blogspot.com/2012/04/vai-suy-nghi-ve-phong-cach-song-phong.html

Bắt tay và Giới thiệu

Cách thức bắt tay hiệu quả - phần 1

Bắt tay là một nghi thức xã giao đơn giản, nhưng lại vô cùng cần thiết và có ý nghĩa trong việc khởi đầu cho mọi cuộc giao tiếp.

Bắt tay thay nụ cười

Không rõ là thói quen bắt tay có từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu, nhưng có lẽ bây giờ ai cũng thừa nhận một điều hiển nhiên là, bắt tay nhau là một cử chỉ quen thuộc và cần thiết trong mọi cuộc giao tiếp. Bắt tay bây giờ là một hành vi phổ quát toàn nhân loại. Khi một ai đó từ chối bắt tay đối tác (điều này chúng ta rất hay gặp trong các nghi thức ngoại giao quốc tế) tức là quan hệ giữa họ đang có "vấn đề".

Mà là vấn đề khá nghiêm trọng. Không muốn trao tay cho nhau tức là người ta đã ngầm chuyển đi một thông điệp: Bất hợp tác.

Dễ mà không dễ

Ấy thế nhưng bắt tay cho phải lẽ cũng không phải dễ. Đó là việc bắt tay ai và bắt tay như thế nào? Nếu gặp người lạ, mà lại là người cao tuổi (hàng cha chú, ông bà...), người có cương vị trên (các vị lãnh đạo, thủ trưởng, thầy giáo...) và đặc biệt là phụ nữ mà ta chủ động bắt tay là thiếu tế nhị. Hãy để cho họ chìa bàn tay thân thiện ra trước, ta lịch sự đón nhận, có thể bằng hai tay.

Cũng đừng vì phấn khích quá mà bóp tay quá mạnh và nắm mãi không rời (dù tình cảm có nồng nàn đến mấy), nhất là bên cạnh đang còn có bao người cần đáp lễ, nhất là người mà ta bắt tay lại là một phụ nữ. Ngược lại, cũng có người bắt tay chiếu lệ, quá hờ hững cho qua.

Ta chưa kịp nắm lấy họ đã vội buông ra ngay, bắt tay người này nhưng mắt lại nhìn sang người khác, làm cho người tiếp xúc cảm thấy hẫng hụt như mình bị coi thường, không được tôn trọng. Và cũng có vị (nhất là các vị chức sắc), lại có thái độ phân biệt, chỉ chú ý tới các VIP và dành sự vồn vã cho các VIP. Đến hội nghị hoặc đến thăm cơ quan nào đấy, trong đám đông chào đón, họ vội vã giơ tay về phía các thủ trưởng hoặc các nhân vật quan trọng ngồi hàng đầu.

Đã thế, có khi, họ bỏ qua cử toạ ngồi hàng trên, nhoài người để với tay xuống hàng dưới bắt lấy bắt để. Họ làm như thiên hạ chỉ có vài ba người quan trọng đáng quan tâm (!). Đấy là cách đối đãi mang tính phân biệt "đẳng cấp". Quả là thiếu từng trải và thiếu lịch sự.

Bắt tay khi chào hỏi là một cử chỉ thường gặp nhất và đã trở nên quá quen thuộc đối với chúng ta. Tuy nhiên, cái bắt tay có thể biểu lộ nhiều điều. Để biểu lộ sự thân thiện và lòng kính trọng với người đối diện, chúng ta nên đưa cả bàn tay ra bắt với 1 cái siết nhẹ có sinh khí, đồng thời nhìn vào mặt đối phương và mỉm cười. Không nên đưa tay hững hờ hay siết tay quá chặt, cầm tay người kia lắc quá mạnh, lúc bắt tay mắt lại nhìn đi chỗ khác, tay kia còn đút túi hay cầm thuốc lá. 

Nguyên tắc là khi bắt tay, phụ nữa đưa tay cho nam giới bắt, người già đưa tay cho người trẻ, cấp trên đưa tay cho cấp dưới. Phụ nữ khi bắt tay nam giới không nên đưa tay cao qua. Nếu người phụ nữa đưa tay hơi cao và lòng bàn tay úp xuống, có nghĩa là muốn được hôn tay. 

Khi 2 cặp nam nữ gặp nhau, hai người phụ nữ bắt tay nhau trước, sau đó 2 người phụ nữ bắt tay hai người đàn ông, rồi cuối cùng mới là hai người đàn ông bắt tay nhau. Khi gặp 1 người quen trong bàn tiệc, chúng ta không nên vươn tay qua bàn để bắt tay mà chỉ cần gật đầu chào là đủ. Nếu thực sự muốn bắt tay thì nên đi vòng qua bàn đến bên người đó để làm việc này. Khi bắt tay, nam giới phải bỏ găng ra, đối với phụ nữ thì điều này không bắt buộc.

Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều tình huống gặp gỡ, đón tiếp nhiều bạn bè, khách khứa, đồng nghiệp, quan chức... Trong những nghi thức đón chào, dĩ nhiên không thể thiếu cái bắt tay cần phải có. Cái bắt tay nhẹ nhàng chẳng tốn gì nhiều công sức. Vậy mà có khi chính từ đây chúng ta lại kéo về phía mình được rất nhiều bạn bè bằng hữu. Và sau đó, những quan hệ tốt đẹp sẽ thực sự mở ra.

Đầu tiên chỉ là một hành vi xã giao đơn giản. Nhưng từ cái bắt tay, có thể chúng ta đã nhẹ nhàng giới thiệu với bạn bè một cách khéo léo tầm hiểu biết, sự lịch lãm, văn minh và văn hoá của riêng ta; và xa hơn, là của cả dân tộc chúng ta. Chúng ta muốn làm bạn với tất cả. Vậy chúng ta phải biết tỏ ra thân thiện ngay từ cử chỉ đầu tiên: Bắt tay cho phải phép!

nguồn: http://www.nghean.vn